Không tìm được chỗ đổ xăng, hoặc chỉ được đổ mức hạn chế, nhiều tài xế ở TP.HCM đã tắt app, thậm chí có người quyết định chạy xuống Đồng Nai để đổ xăng.
8h50 sáng 10/10, chị Ngọc Hà (25 tuổi, nhân viên văn phòng) đặt xe trên ứng dụng Grab để đến văn phòng như thường lệ. Tuy nhiên, đến hơn 9h vẫn không có tài xế nào nhận cuốc, chị đành tìm kiếm thêm trên ứng dụng Gojek. Đến 9h20, Gojek kết nối chị với một tài xế, nhưng quãng đường đến đón chị cũng khá xa.
“Tài xế bảo chưa kịp hoàn thành chuyến giao hàng thì ‘nổ’ tiếp chuyến của tôi. Sáng nay có vẻ thiếu xe vì khó đổ xăng, chính anh tài xế này cũng không mua được, gần nhà anh có 4 cây xăng mà 3 cây đóng cửa, cây còn lại xếp hàng quá lâu”, chị Hà nói.
Một tài xế xe công nghệ tên Toàn cho biết từ 8h sáng 10/10 đã chạy quanh gần 10 cửa hàng nhưng vẫn không thể đổ xăng. Đến cây xăng cuối cùng, anh đợi hơn 40 phút vẫn chưa đến lượt nên quyết định nghỉ chạy.
“Đã mất công nên tôi sẽ chờ đổ cho xong rồi mới về. Chứ với tình trạng chỉ đổ được 30.000-50.000 đồng/lượt như hai hôm nay, thì chắc phải mất nửa ngày mới đổ được đầy bình, vậy thì còn thời gian đâu mà kiếm tiền nữa”, anh chia sẻ.
Anh Đức Hải, một tài xế khác, cho rằng ngày mai sau khi xăng tăng giá sẽ dễ đổ xăng hơn. Do đó, anh đã tắt app để nghỉ ngơi từ chiều 9/10. “Khi nào đổ xăng lại được như bình thường tôi sẽ mở app”, anh nói.
Trong khi đó, anh Trung – một tài xế xe công nghệ đã ghé 6-7 cửa hàng từ sáng sớm nhưng vẫn chưa đổ được xăng. Nhìn vào hàng dài người và xe đang chờ đợi tại cây xăng này, anh ngán ngẩm quay đầu.
Nhưng thực tế, dù chấp nhận chờ, anh cũng chỉ đổ được tối đa 50.000 đồng theo thông báo của cửa hàng. Điều này có nghĩa nếu muốn có đủ xăng cho một ngày làm việc bình thường, anh cần xếp hàng chờ đợi tại khoảng 2-3 cây xăng tương tự. Có tài xế không chấp nhận bỏ xe nằm nhà, đành chạy xe xuống Đồng Nai nhưng cũng chỉ đổ được 200.000 đồng.
Trao đổi với Zing bên ngoài một cây xăng trên Quốc lộ 22 đoạn qua địa phận huyện Hóc Môn, anh Trần Văn Thi, một tài xế xe ba gác, cũng cho biết đã chờ hơn một tiếng đồng hồ tại đây. “Sáng giờ khách gọi điện hối tôi giao hàng liên tục mà đến giờ vẫn chưa đến lượt tôi được đổ xăng”, anh bức xúc.
Chia sẻ với Zing, ông Tạ Long Hỷ – Tổng giám đốc Vinasun – cho biết doanh thu những ngày qua đã sụt giảm vì tài xế không có đủ xăng để chạy.
“Tìm xăng khó quá nên anh em tài xế cũng nản, họ không nghỉ hẳn nhưng ít chạy hơn. Tất cả xe đều chững lại, doanh thu đi xuống. Chúng tôi cũng không có cách nào khác, chỉ dặn tài xế cây này không có xăng thì đi cây khác thôi”, ông nói.
Tính đến tối 9/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết có 54/550 cửa hàng tạm hết xăng dầu, chủ yếu ở các quận Tân Bình, quận 12, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh… Các cửa hàng này đều cho biết đang trong thời gian chờ nhập hàng.
Trong lúc này, Sở Công Thương TP.HCM đã đề nghị các đơn vị có chuỗi cung ứng lớn tăng cường nhập hàng để cung ứng xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ. Riêng đêm 9/10, Petrolimex TP.HCM đã huy động 80 xe bồn vận chuyển xăng dầu từ kho về nhập cho các hệ thống cửa hàng bán lẻ để tăng cường nguồn cung bù đắp cho các cửa hàng lân cận đóng cửa hoặc bị gián đoạn nguồn cung cục bộ.
Sở Công Thương đã kiến nghị và được UBND TP chấp thuận, cho phép phối hợp Cảnh sát giao thông và Sở Giao thông Vận tải tạo điều kiện phân luồng cho các phương tiện vận chuyển xăng dầu có thể thuận lợi tiếp cận các cửa hàng, cấp xăng dầu trong giờ cao điểm.
Theo https://zingnews.vn/tai-xe-xe-cong-nghe-tat-app-vi-khong-do-duoc-xang-post1363780.html