Phế liệu của ngành này là nguyên liệu đầu vào của ngành khác, đó là sự chuyển đổi từ mô hình kinh tế cũ “Khai thác – Sản xuất – Xả thải” sang một mô hình mới tập trung vào việc “Tái sử dụng – Tái sản xuất – Tái chế”.
Hạn chế về môi trường và tài nguyên là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển bền vững của Nhật Bản, do đó chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn đã sớm được Nhật Bản định hướng. Tại Nhật Bản có một tinh thần truyền thống mang tên ‘Mottainai’, có nghĩa là Không lãng phí. Đó chính là cốt lõi của khái niệm kinh tế tuần hoàn mà Nhật Bản đang thúc đẩy. Từ người dân cho tới các doanh nghiệp đều thấm nhuần triết lý này.
Kamikatsu – một thị trấn vùng cao nằm ở tỉnh Tokushima của Nhật Bản, đây là nơi đầu tiên ở Nhật Bản ban hành chính sách không rác thải.
Tài nguyên kim loại có thể dùng đi dùng lại mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm
Bà Saeko Takahashi từ 20 năm nay đã quen với việc phân loại rác ngay từ căn bếp của mình. Thị trấn Kamikatsu coi rác cũng là một loại tài nguyên và yêu cầu người dân tự giao các loại rác đã phân loại cho trạm xử lý.
“Chúng tôi phân rác thành hơn 40 loại, tôi tách các loại nylon, giấy, tạp chí… rồi mang nó đến trung tâm phân loại, chúng tôi sẽ tái chế mọi thứ có thể, bà Saeko Takahashi nói.
Trong nhà máy tái chế đồ điện tử của Panasonic, các thiết bị điện tử hỏng như tivi, tủ lạnh, máy giặt hay điều hòa nhiệt độ bị vứt bỏ sẽ được tái chế. Nhựa và kim loại sẽ được tách riêng, các vật liệu này sau quá trình tái chế, hầu hết sẽ được sử dụng để chế tạo những thiết bị mới.
Ông Yoshihiro Kitahara – Giám đốc Nhà máy Petec, Panasonic, Nhật Bản cho biết: “Theo quy định của pháp luật, chúng tôi bắt buộc phải tiếp nhận và tái chế những đồ điện cũ mà chúng tôi đã sản xuất. Theo lý thuyết, những tài nguyên kim loại có thể dùng đi dùng lại mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, chúng tôi cũng coi năng lực tái chế sản phẩm là một trong những đóng góp quan trọng của công ty đối với xã hội”.
Luật về thành lập một xã hội dựa trên tái chế đã được Nhật Bản đưa ra năm 2002, theo luật này, Nhật Bản đảm bảo trên 50% các sản phẩm điện và điện tử được tái chế, trong đó có đến 89% các nguyên vật liệu chứa các thiết bị điện tử thu hồi được quay trở lại phục vụ cho mục đích sản xuất các sản phẩm cùng loại.
Ông Takeshi Tsuchida – Giám đốc Công ty tái chế IKE chia sẻ: “Anh có thể gọi chúng là rác, nhưng khi phân loại chúng, vật liệu nhựa cũng sẽ trở thành một nguồn tài nguyên. Chúng tôi không coi đó là rác thải, chúng tôi coi đó là tài nguyên cho các sản phẩm mới”.
Triết lý của nền kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn giúp Nhật Bản giảm phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên.
Theo https://vtv.vn/the-gioi/cot-loi-nen-kinh-te-tuan-hoan-tai-nhat-ban-20220901013451387.htm