Chia sẻ với Zing, các nhà thiết kế cho biết họ chú trọng sử dụng chất liệu của Việt Nam, đưa hình ảnh đất nước mình ra quốc tế.
Việt Nam – nguồn cảm hứng bất tận
Cũng thời gian này năm ngoái, Phan Đăng Hoàng ra mắt bộ sưu tập “Quintessence” (tinh hoa) tại Tuần lễ thời trang Afro (sự kiện thuộc khuôn khổ Tuần lễ thời trang Milan) và nhận lời khen từ Anna Wintour. Năm nay, anh chính thức trình làng những thiết kế mới của mình ở Milan Fashion Week.
Vẫn lấy cảm hứng từ Việt Nam nhưng bộ sưu tập “A Dose Of Joy” được khai thác theo cách mới hơn. Những trò chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ của nhiều người như ô ăn quan hay hình ảnh lồng đèn trung thu, tắm mưa được lồng ghép vào các bộ váy.
Chia sẻ với Zing, nhà thiết kế Gen Z cho biết: “Những thứ đơn giản đó đã đi vào tiềm thức của mỗi trẻ em Việt Nam. Đây cũng là cách gửi gắm câu chuyện tuổi thơ của tôi. Sau đại dịch, tôi mong muốn ai cũng có thể tìm thấy được sự tích cực, quay về với những ký ức đẹp đẽ”.
Lần đầu được ra mắt ở một trong 4 tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới, Hoàng không tránh khỏi cảm giác run sợ. Nhưng khi show kết thúc, thấy được sự đón nhận và những lời khen từ khán giả, anh cảm thấy công sức 6 tháng làm bộ sưu tập hoàn toàn xứng đáng.
Sau dịch, tôi mong ai cũng có thể tìm thấy sự tích cực qua những ký ức đẹp đẽ.
Nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng
Những bộ váy được anh thực hiện qua nhiều công đoạn thủ công, bao gồm thêu, đính, móc len, in trên lụa tơ tằm… Có những bức thêu được làm trong hai tháng. Túi cũng được đan lát. Thậm chí, hoa tai được làm từ chất liệu tái chế.
Anh cho rằng Việt Nam tạo nên nhiều niềm cảm hứng cho mình. Qua những đường cắt, phom dáng hay cách kết hợp màu sắc, anh mang đến tinh thần mới cho bộ sưu tập. Do đó, anh không lo sợ vấn đề trùng lặp khi cứ mãi khai thác chủ đề quê hương.
Ưu tiên chất liệu thủ công trong nước
Ngoài Phan Đăng Hoàng, nhà thiết kế Hoàng Hải cũng mang đến bộ sưu tập váy dạ hội trong sự kiện mở màn Tuần lễ thời trang Milan.
Các thiết kế với phom dáng sắc sảo cùng chi tiết đính kết tỉ mỉ thể hiện nghệ thuật thủ công tinh xảo của người Việt. Anh mong muốn bản thân có thể góp phần vào việc tôn vinh vẻ đẹp tự tin mạnh mẽ, khí chất của người phụ nữ hiện đại.
Trong khi đó, nhà thiết kế Lê Lâm nhận được một lời mời trình diễn bộ sưu tập ở Milan (Italy), trùng với thời gian diễn ra tuần lễ thời trang. Vì thấy ý tưởng của các thiết kế mình đang phác thảo hoàn toàn phù hợp với concept tại Milan, anh đã không chần chừ.
“Để đến được Milan và diễn tại đây không phải là chuyện dễ. Không chỉ áp lực về thời gian, tôi còn phải vượt qua giới hạn của chính bản thân mình. Hơn nữa, về địa lý, văn hoá, lịch sử thời trang giữa Việt Nam và Italy nói chung hay Milan nói riêng là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau”, Lê Lâm chia sẻ với Zing.
Tôi muốn kết hợp tinh hoa thủ công truyền thống nước nhà với sự phát triển của thời trang thế giới.
Nhà thiết kế Lê LâmVới bộ sưu tập đánh dấu sự ra mắt của dòng sản phẩm may đo lần này, Lê Lâm sử dụng 100% chất liệu cao cấp từ các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản. Tuy nhiên, Lê Lâm cho biết điểm nhấn ren thêu thủ công hoàn toàn được làm bởi những nghệ nhân từ các làng nghề lâu đời ở Việt Nam.
Mục đích của anh là góp phần đưa tinh hoa thủ công truyền thống nước nhà song hành cùng sự phát triển của thời trang thế giới.
Lê Lâm cũng nhận được nhiều câu hỏi về việc anh có bắt nhịp xu hướng thế giới khi phát triển cả 2 dòng sản phẩm ready-to-wear và bespoke không? Anh chia sẻ điều này không hoàn toàn phụ thuộc vào xu hướng. Nó còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu và tiêu chí của khách hàng. Nhiều người muốn sở hữu một thiết kế độc bản, mang đậm dấu ấn cá nhân, thể hiện được cá tính riêng. Đó là yếu tố thời trang may sẵn không đáp ứng được.
Bộ sưu tập may đo của Lê Lâm ra mắt ở Milan, hòa cùng không khí tuần lễ thời trang. Ảnh: NVCC.
Tuần lễ thời trang Milan chính thức khép lại vào 26/9. Không chỉ Phương Oanh liên tục xuất hiện trên sàn diễn trong những bộ đồ gợi cảm hay dàn fashionista Việt nổi bật ở hàng ghế đầu, các nhà thiết kế đến từ Việt Nam cũng góp phần tạo điểm nhấn cho nền thời trang nước nhà.
Về xu hướng thời trang bền vững, Lê Lâm đã luôn gửi gắm qua những bộ sưu tập của mình. Anh thường sử dụng chất liệu 100% từ sợi tự nhiên cao cấp. Chúng bền bỉ và thân thiện với môi trường.
Phan Đăng Hoàng cũng vậy. Anh kết hợp các bản in trên lụa tơ tằm của Việt Nam. 80% bộ sưu tập sử dụng chất liệu bền vững từ thiên nhiên.
Nhà thiết kế trẻ khiêm tốn: “Để nói tôi quảng bá văn hóa Việt Nam là điều lớn lao. Tôi chỉ thấy những gì mình làm xuất phát từ điều nhỏ nhặt nhất. Dù làm gì, tôi luôn tự hào khi nói mình là nhà thiết kế đến từ Việt Nam”.
Theo https://zingnews.vn/thoi-trang-made-in-vietnam-tren-san-dien-italy-post1359405.html