Phong cách điều hành doanh nghiệp của bạn là gì? Là một người lãnh đạo dẫn dắt hay một người chủ có thẩm quyền trong các quyết định? Trong phần 1 này, Tạp chí Nữ Doanh Nhân sẽ chỉ ra những đặc điểm trong 2 phong cách lãnh đạo, giúp bạn so sánh, đánh giá và tìm cho mình một đường lối phù hợp cho phong cách điều hành hiện tại.
Trong thực tế, giữa “leader” (người lãnh đạo) và “boss” (người chủ/sếp) luôn có sự khác biệt rõ rệt. Thông thường, các nhà lãnh đạo sẽ chịu trách nhiệm tạo ra một tầm nhìn và chiến lược cho tổ chức. Họ thường sẽ không trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ hằng ngày hoặc quản lý, theo sát các dự án.
Những người chủ là người lên kế hoạch thực thi các nhiệm vụ và tầm nhìn của một nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo thường sẽ quan tâm “tại sao” một điều nào đó nên được thực hiện. Trong khi, một người chủ lại quan tâm nhiều hơn đến việc phải “làm như thế nào”. Trong một tổ chức hiện đại, bạn không cần phải phân chia quá rạch ròi giữa hai vai trò. Ngược lại, bạn cần dung hòa giữa một “người chủ” và “người lãnh đạo” để mang đến lợi ích cho đội ngũ lẫn tổ chức của mình.
Không ai thích một “người chủ” độc tài!
Nếu một người đang nắm giữ vị trí “người chủ” nhưng hoàn toàn không có kỹ năng lãnh đạo, họ thường có xu hướng dựa vào quyền lực của mình để điều hành nhân viên. Với tư duy “tôi là sếp, tất cả mọi người phải tuân theo lời của tôi!” là một phong cách điều hành kém hiệu quả. Ngay cả khi điều đó mang đến những kết quả nhất định, nó sẽ đánh mất sự tin tưởng và gắn bó của nhân viên đối với doanh nghiệp và người sếp của mình. Trong quá khứ, một nhà lãnh đạo cũng chính là một người chủ. Nhưng ngày nay, các nhà lãnh đạo phải trở thành một đối tác, một người dẫn dắt đối với các nhân sự của mình. Họ không nên lãnh đạo chỉ dựa vào quyền lực vị trí của mình.
Nhưng nếu chỉ hoàn toàn đưa ra những đặc điểm tiêu cực của một người chủ có lẽ sẽ là một đánh giá phiến diện từ một phía. Đôi khi, các nhà lãnh đạo hành động giống như một ông chủ theo khuôn mẫu và toát ra những đặc điểm độc hại. Trong khi, một người chủ lại là những người dành nhiều sự quan tâm và đầu tư vào thành công của đội ngũ. Bất kỳ chức danh hay vai trò nào cũng đều thể hiện những ưu điểm và khuyết điểm của cả hai. Trên thực tế, trong quy mô doanh nghiệp nhỏ, các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp thường phải đội một lúc “cả hai chiếc mũ”.
Dưới đây là một số đặc điểm trong 2 phong cách lãnh đạo giúp bạn có thể dung hòa và áp dụng vào phong cách điều hành của mình:
Đặc điểm của một nhà lãnh đạo
Các công ty lớn trên thế giới đang chi hàng triệu đô la cho việc phát triển khả năng lãnh đạo hằng năm. Các tổ chức này hy vọng sẽ định lượng và nắm bắt được những bí quyết tạo dựng nên một nhà lãnh đạo thành công cho doanh nghiệp của mình. Các nhà lãnh đạo đích thực có thể xuất hiện ở bất kỳ cấp độ nào của tổ chức, không chỉ ở các vị trí quản lý. Họ sẽ đảm nhận vị trí đào tạo các lãnh đạo kế cận, giúp nhân viên cải thiện sự hài lòng trong công việc, đưa ra những chiến lược phát triển cho doanh nghiệp hoặc những nhân viên tiềm năng đang được cất nhắc lên những vị trí cao hơn.
Một nhà lãnh đạo tốt:
- Truyền đạt hiệu quả tầm nhìn của mình
- Cung cấp cơ hội phát triển khả năng lãnh đạo cho đội nhóm
- Có khả năng ảnh hưởng tích cực đến mọi người
- Tạo cảm giác của một chủ doanh nghiệp luôn hướng về tương lai
- Sở hữu phong cách lãnh đạo riêng biệt
- Có thể đưa ra nhiều sáng kiến lớn cùng một lúc
Đặc điểm của một người chủ
Nhiều “người chủ” được thăng chức vì thành công của họ với tư cách là những người đóng góp cá nhân. Thật không may, làm tốt công việc của mình không có nghĩa là bạn biết cách nâng đỡ và điều hành người khác. Không được đào tạo để trở thành một người dẫn dắt giỏi, nhiều người chủ đã bù đắp điều này bằng quyền lực và phong cách lãnh đạo độc đoán buộc nhân viên phải nghe lời. Một người chủ thường chú trọng đến hiệu suất và tiến độ công việc hơn là để tâm đến sự phát triển chung của từng thành viên trong đội nhóm.
Một người chủ tốt:
- Có thẩm quyền và tự tin
- Có thể đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng
- Biết cách thức và thời điểm để ủy quyền hiệu quả các nhiệm vụ
- Có thể đưa ra những lời nhẫn xét hoặc chỉ trích mang tính xây dựng
- Hiểu các kỹ năng và lĩnh vực phát triển của các thành viên trong nhóm
- Đưa ra định hướng rõ ràng và giao tiếp tốt
- Theo dõi các công việc, nhiệm vụ để hỗ trợ các mục tiêu lớn hơn của nhóm
Vậy mặt trái của việc trở thành một “lãnh đạo” hay “người chủ” là gì? Bất kể bạn đang trở thành một bà chủ quyền lực hay một người dẫn dắt đại tài, thì vẫn luôn tồn tại một sự thật hiển nhiên rằng: một người quản lý không hiệu quả là những người rất kém trong khả năng lắng nghe. Họ sẽ thường từ chối ngay những phản hồi mang tính xây dựng và trốn tránh các trách nhiệm. Những cá nhân này cũng thường cứng nhắc trong quá trình ra quyết định của mình. Bên cạnh đó, họ còn gặp khó khăn trong việc điều chỉnh các ưu tiên thay đổi và duy trì sự nhanh nhẹn trong phong cách lãnh đạo.
Một người chủ hay nhà lãnh đạo, dù tốt hay xấu, cũng đều ảnh hưởng đến cảm giác của từng nhân viên trong tổ chức. Mối quan hệ không được tốt đẹp với người phụ trách là một trong những lý do hàng đầu khiến nhân viên nghỉ việc. Sự gắn kết, ý thức thuộc về và hạnh phúc của nhân viên cũng rất quan trọng đối với hạnh phúc của cá nhân và tổ chức của bạn.
Trong phần 2 của chuỗi bài viết Phong cách lãnh đạo, Tạp chí Nữ Doanh Nhân sẽ chỉ ra những điểm tích cực trong từng phong cách lãnh đạo, giúp độc giả có thêm cái nhìn khách quan hơn về phong cách điều hành của chính mình. Chúng tôi tin rằng, dù bạn thuộc phong cách lãnh đạo nào, thì việc mang đến sự hạnh phúc và tiếng nói cho nhân viên là một yếu tố hàng đầu của bất kỳ nhà quản lý giỏi nào.
Theo Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp | Ảnh: Internet