Công chiếu toàn cầu lần đầu tiên vào năm 2009, “kỳ quan màn bạc” – “Avatar” chinh phục hàng triệu khán giả với rất nhiều thành tích đạt được bao gồm doanh thu gần 3 tỷ USD, 9 đề cử Oscar và mở ra kỷ nguyên mới cho phim “bom tấn” Hollywood có kỹ xảo siêu hạng.
“Avatar” kể câu chuyện “truyền thống” về một cuộc xâm lăng: phe “Người Trời” với mọi máy móc thiết bị tân tiến nhất nhắm vào mỏ khoáng sản trên lãnh thổ của người Na’vi. Để đạt được mục đích, “Người Trời” bày ra một kế hoạch xâm lấn từ bên trong, tuy nhiên “kẻ tiên phong” giờ đây lại bị chính mảnh đất kỳ ảo chinh phục và cảm hóa bằng tình yêu thuần khiết… Thoạt nghe “Avatar” giống như câu chuyện ngụ ngôn về sự sống mà chúng ta dễ dàng bắt gặp ở đâu đó. Điều lôi kéo người xem chính là những người Na’Vi với nhân dạng lạ thường, nhưng họ lại có một thứ “linh hồn” bất diệt: yêu hòa bình, có đức tin sâu sắc và luôn hướng đến thần linh, mẹ thiên nhiên…
Đạo diễn lỗi lạc Steven Spielberg từng đánh giá “Avatar” là “Phim khoa học viễn tưởng gợi liên tưởng nhất kể từ Star Wars”, sự liên tưởng ấy đến từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất của chủng tộc Na’Vi và mảnh đất họ tôn thờ: họ kính trọng mọi thứ kể cả những con sói ăn thịt hung hãn, đến các con ngựa và rồng dữ tợn mà họ cưỡi. Họ kính trọng lẫn nhau và kính trọng sự gắn kết của cộng đồng mà họ đang sinh tồn. Trong khi ở khía cạnh đối lập, “Người Trời” tàn phá hành tinh của họ rồi lại xâm chiếm các hành tinh khác để khai thác tài nguyên, xâm hại thiên nhiên… “Avatar” chưa bao giờ lỗi thời!
Theo dõi James Cameron, dễ nhận ra ông thuộc hàng ngũ những nhà làm phim Hollywood “kiểu mẫu”. Không chỉ ở cấu trúc ba hồi rõ rệt mà nhìn chung, tất cả các phim của ông, từ “Titanic” cho đến “Aliens 2”, từ “True Lies” đến “Terminator”… James trung thành với phong cách kể chuyện dễ hiểu, dễ cảm cùng kịch bản trực quan, dễ tiếp cận, không cầu kỳ và màu mè. Tương tự, các nhân vật của ông cũng là những hình tượng không xa lạ gì với công chúng yêu phim. Người yêu thích sẽ khen ngợi sự thẳng thắn mà ông tạo ra ở các nhân vật, kẻ ghét thì chỉ trích James không dành chất xám cho việc xây dựng nhân vật mà chỉ chạy theo kỹ xảo.
Đạo diễn James Cameron trên trường quay Avatar
Dù ở góc nhìn nào, cũng phải thừa nhận rằng James có sự tính toán ưu việt, nhằm đem tới những thước phim giải trí mãn nhãn. Nói vậy không có nghĩa rằng phim ông chỉ đẹp, hấp dẫn mà vô cảm. Thực tế, các ví dụ trên đều đọng lại trong người xem ít nhiều “linh hồn” của từng nhân vật, nét đặc trưng riêng. Một chuẩn úy can trường trong “Aliens 2” đến chàng chiến binh đấu tranh giữa lý tưởng và tương lai Jake Sully trong “Avatar”… Mặc dù được xây dựng để làm người hùng, nhưng mỗi cá tính nhân vật đều bộc lộ rõ nét, cho thấy James Cameron thật sự biết ông muốn khán giả nhớ đến điều gì.
Trong các phim của James, nhân vật luôn có một cuộc chiến phải đối diện, kể cả là cuộc nội chiến từ bên trong tâm hồn. Đó cũng chính là cách mà ông muốn người xem ghi nhận, rằng mỗi một con người đều đang tranh đấu cho chính họ, cách này hay cách khác, để tồn tại và phát triển. Đó là lý do người xem vẫn đồng cảm trước những khoảnh khắc lắng đọng cần thiết, mà cả “Avatar” hay “Titanic” đều sở hữu. Nhìn chung, 9 đề cử Oscar cho Avatar trong đó có giải Phim hay nhất cũng là một cách AMPAS minh chứng cho “tiêu chuẩn James Cameron” – chúng ta không thể đòi hỏi một tác phẩm bom tấn phải sở hữu câu chuyện “xoắn não” như một phim tâm lý xã hội.
Trong thế giới vĩ mô mà James Cameron tạo ra, ông đã lược bỏ đi những cuộc chiến không đáng có, chỉ để tập trung vào một cuộc chiến lớn hơn. Nhờ vậy mà sau 13 năm, khán giả đã từng hoặc chưa từng xem “Avatar” phần một, vẫn có thể theo dõi bộ phim tại rạp một cách hào hứng mà không đối diện với cảm giác “cũ”. Hơn nữa, kỹ xảo 3D trong “Avatar” hiệu quả đến mức nó đủ sức khơi gợi trí tưởng tượng của người xem, cảm giác như tác phẩm chỉ vừa mới vừa ra mắt hôm qua. Nhiều kỹ thuật tạo hình trong “Avatar” được các thế hệ đạo diễn sau nhào nặn và tái sử dụng.
Trong một bài phỏng vấn gần đây với New York Times, James Cameron cho rằng sau đại dịch, thị trường phim ảnh đang hồi sinh nhưng khán giả nay đã khác, thị trường cũng có nhiều thay đổi, đặc biệt là nền tảng phát hành phim trực tuyến: “Ngay cả với một phim hay, một phim đắt tiền, không gì là chắc chắn nó không lỗ. Tôi không muốn làm một phim như thế, nên vẫn phải thăm dò khán giả của mình…”. Ông cũng tiết lộ phiên bản cải tiến của “Avatar” sẽ mang người xem bước vào Pandora một cách hoàn hảo hơn những gì nó từng làm vào năm 2009.
Khi được hỏi liệu việc cho chiếu lại “Avatar” với định dạng mới có phải là cách để chinh phục khán giả lần nữa, nhắc nhớ họ về một biểu tượng điện ảnh đương đại trước khi chiếu phần hai hay không, James Cameron cho rằng việc phát triển kỹ thuật mới như Dolby Cinema hay Dolby Vision, cạnh tranh với IMAX và các định dạng chiếu phim cao cấp khác… khiến ông hứng thú trong việc cải tiến “Avatar” để người hâm mộ, nhất là thế hệ Gen Z, thêm một lần thưởng thức “bom tấn” bằng phiên bản hoàn mỹ nhất.
Trong vòng 10 năm kể từ khi Avatar ra mắt, James Cameron gần như dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu để tiến hành thực hiện Avatar: The Way of Water, trong đó bao gồm việc tìm hiểu về đại dương, các vật thể nằm sâu dưới lòng nước, các kiến trúc độc đáo… James tiết lộ rằng, Avatar là cách để ông gieo hồi chuông cảnh tỉnh với những cuộc “xâm lăng” của con người với thiên nhiên hoang dã, giết dần giết mòn sự sống của các sinh vật lớn nhỏ trên những hòn đảo: “Tôi không làm phim để cứu thế giới, tôi chỉ nhắc rằng nếu chúng ta không thay đổi, chúng ta sẽ mất những gì chúng ta có”.
Những hứa hẹn phương Tây
Đoạn quảng cáo “Avatar 2: The Way of Water” nhận những phản ứng trái chiều nhưng thu về 148 triệu lượt xem chỉ trong một ngày ra mắt đã phần nào nói lên sức mạnh tiềm ẩn của “bom tấn” giữa thời đại đổi thay, sự lớn mạnh của phim trực tuyến, vũ trụ siêu anh hùng Marvel… Tuy nhiên James Cameron vẫn rất cẩn trọng với 250 triệu USD từ hãng phim 20th Century, bằng chứng rõ rệt nhất là việc chiếu lại “Avatar” với công nghệ mới nhất được cải tiến nhằm đo mức độ quan tâm của khán giả, hòng tìm hướng đi truyền thông phù hợp.
Những phản hồi về nội dung “dễ đoán” của phần phim đầu tiên đã khiến James Cameron dành thêm thời gian cho việc phát triển câu chuyện ở phần phim thứ hai: “Tôi cam đoan khán giả sẽ không biết câu chuyện lần này rẽ theo hướng nào” – James nói với IGN. Theo thông tin ban đầu, “Avatar 2: The Way of Water” diễn ra 10 năm sau câu chuyện đầu tiên, lúc này Jake Sully – “kẻ tiên phong” phe Người Trời quyết định sống cùng Neytiri – người Na’Vi vốn dĩ là mục tiêu ban đầu của Jake. Họ đối diện với những cuộc xăm lăng khác, và Jake phải tìm ra cách để bảo vệ gia đình mình…
Hình ảnh của “Avatar 2: The Way of Water”
Để hiểu rõ trận chiến của Jake và “Người Trời”, rõ ràng người xem buộc phải theo dõi lại phần một của phim để có cái nhìn toàn cảnh. Như vậy, mục đích chiếu lại Avatar phần một hoàn toàn hợp lý, nhất là khi phim đã ra đời hơn 12 năm, người hâm mộ ít nhiều cũng quên mất những mắt xích từ phần phim đầu tiên. Và với những hứa hẹn không chỉ từ kỹ xảo và nội dung, người hâm mộ chưa bao giờ thôi khao khát bước vào Pandora của James Cameron thêm một lần nữa.
Theo https://www.lofficielvietnam.com/pop-music-film/avatar-tro-lai-man-bac-sau-13-nam-james-cameron-khao-khat-dieu-gi