Lời giới thiệu sách – “Covid 19 – Đằng sau sự bất hạnh”

Lời giới thiệu sách – “Covid 19 – Đằng sau sự bất hạnh”

Tôi vốn lo lắng rằng những chân giá trị của cuộc đời sẽ lặng lẽ tan biến dần với thời gian, khi đại dịch qua đi, khi cuộc sống dần quay trở lại quỹ đạo vốn có. Không ngờ rằng cuốn sách “Covid-19 – Đằng sau điều bất hạnh” của Đại Đức Thích Quảng Tú đã thu hút ánh nhìn của tôi. Dưới góc nhìn sâu sắc của đạo Phật, cuốn sách cho ta những hiểu biết rất khác về đại dịch.

Chúng ta không thể phủ nhận sự thật là để có được xã hội công nghiệp hiện đại như ngày hôm nay phải đánh đổi bằng không biết bao nhiêu điều quý giá. Con người không còn thời gian để kiếm tìm những giá trị cao cả vì vướng bận nỗi lo cơm áo gạo tiền. Người lao động, người làm doanh nghiệp phải đắm chìm vào công việc phát triển kinh tế, để hòa mình vào dòng chảy của xã hội. Người không có công ăn việc làm thì dần dần không còn chỗ đứng vì trong cái dòng chảy này, những ai không bắt kịp sẽ bị đào thải. Vì vậy mà những người đã nghèo thì sẽ càng nghèo khổ, những người vô gia cư sẽ mãi cô đơn, và những người bất hạnh thì bị đóng lại con đường dẫn tới hạnh phúc.

Cả thế gian dường như bị dính chặt vào một guồng xoay bất tận không thể tự thoát ra. Cái guồng xoay đó tưởng chừng như sẽ tạo ra một xã hội văn minh hơn, tốt đẹp hơn, nhưng không ngờ rằng kết quả mang lại không như những gì chúng ta mong đợi.

fc84fc4cd5cf109149de

Gia đình vốn là một mắt xích quan trọng của xã hội. Gia đình bền vững thì xã hội mới bền vững. Nhưng chúng ta đã thấy sự gắn kết giữa từng cá nhân trong gia đình, giữa gia đình với xã hội dần trở nên rạn vỡ. Những thói hư tật xấu, sự tham lam ích kỷ do xã hội hiện đại mang tới khiến con người dần dần tha hóa, dần dần mất đi chất keo vốn trước nay đã giúp gắn kết mọi người lại với nhau. Chất keo đó chính là đạo đức, là nền tảng của mọi hạnh phúc trên đời.

Cũng đã có nhiều người nhận ra tầm quan trọng của đạo đức và đang cố gắng dựng xây lại nền tảng này cho các thế hệ tương lai. Nhưng muốn thay đổi được guồng xoay bất tận này thì không hề đơn giản, giống như quả cầu tuyết đang lăn xuống núi, muốn chuyển hướng hoặc làm nó dừng lại là điều vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, Đại dịch Covid-19 vừa qua là một cú sốc lớn cho cả thế giới, gây ra rất nhiều đau thương và bất hạnh, nhưng nó cũng vô tình đánh vỡ trật tự vốn có của xã hội. Mặc dù dịch bệnh gây ra rất nhiều hệ lụy, nhưng những khổ đau mà nó mang tới lại làm cho chất keo giúp gắn kết con người trước kia trỗi dậy. Con người hiểu ra và quay trở lại với tình thân gia đình. Hàng xóm yêu thương đùm bọc nhau vượt qua hoạn nạn. Những con người không quen biết lại sẵn sàng hy sinh thời gian, tiền bạc, công sức ra để nâng nhau dậy trong khăn khó. Người lao động chấp nhận thiệt thòi để công ty có thể vượt qua những bấp bênh. Các doanh nghiệp dù lao đao trong dịch bệnh nhưng vẫn cố gắng kiên trì sản xuất để công nhân có thu nhập, và để cho chuỗi cung ứng sản xuất không bị đình trệ, giúp hạn chế tối đa sự ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế…

Tất cả những điều đó khiến cho những gì đã rạn vỡ lại dần được hàn gắn. Tình thương được cho đi không điều kiện khiến hạnh phúc chân chính được nảy sinh. Cuối cùng, ta phải đặt lại câu hỏi rằng điều gì mới thực sự làm nên chất lượng của cuộc sống? Điều gì mới thực sự đưa ta tới hạnh phúc? Vì sao trong tột cùng của khổ đau từ dịch bệnh Covid-19 này mà ta lại nhận được những điều mà dường như chỉ có tột cùng của hạnh phúc mới đem đến?

Tôi vốn lo lắng rằng những chân giá trị của cuộc đời sẽ lặng lẽ tan biến dần với thời gian, khi đại dịch qua đi, khi cuộc sống dần quay trở lại quỹ đạo vốn có. Không ngờ rằng cuốn sách “Covid-19 – Đằng sau điều bất hạnh” của Đại Đức Thích Quảng Tú đã thu hút ánh nhìn của tôi. Dưới góc nhìn sâu sắc của đạo Phật, cuốn sách cho ta những hiểu biết rất khác về đại dịch. Với ánh mắt bi quan thì dịch bệnh là khổ đau, là bất hạnh. Nhưng với góc nhìn của sự lạc quan, với góc nhìn của sự từ bi, với góc nhìn của sự trí tuệ, thì những khổ đau đó không chỉ là cơ hội để ta vươn lên, để ta trưởng thành, mà còn là cơ hội để cả xã hội này phải thay đổi.

Tiến sĩ Luật học, Thượng tọa Thích Chân Quang.